Các định dạng của quảng cáo lập trình Programmatic advertising

Quảng cáo video

Quảng cáo video (tiếng Anh: Video ads) là quảng cáo dưới hình thức video được phát ra khi người dùng xem một nội dung trên mạng.

Có 2 loại quảng cáo video phổ biến:

  • Quảng cáo ngoài luồng (tiếng Anh: Out-stream): là quảng cáo xuất hiện giữa các bài viết trực tuyến, nó có thể hiển thị giữa các nội dung hoặc là hiện lên như một cửa sổ mới.
  • Quảng cáo trong luồng (tiếng Anh: In-stream): là quảng cáo xuất hiện trong khi phát một video mà người dùng đang xem. Có 3 dạng của quảng cáo trong luồng[5]:
    • Pre-roll: Những quảng cáo xuất hiện trước khi phát video.
    • In-roll: Những quảng cáo xuất hiện trong khi phát video.
    • Post-roll: Những quảng cáo xuất hiện sau khi video kết thúc.

Bên cạnh đó, có thể phân loại quảng cáo theo thời lượng video quảng cáo[20]:

  • Quảng cáo bỏ qua được (tiếng Anh: Skippable): là loại quảng cáo xuất hiện trong khi phát video, người xem có thể bỏ qua sau khi xem xong 5s đầu tiên. Loại quảng cáo này ít nhất phải dài hơn 12s để có thể tính lượt xem quảng cáo.
  • Quảng cáo không thể bỏ qua (tiếng Anh: Non-Skippable): loại quảng cáo này xuất hiện người xem không thể lựa chọn việc bỏ qua quảng cáo. Loại quảng cáo này có thể dài tối đa 15s hoặc 20s. Ví dụ điển hình cho quảng cáo này là Bumper ads, đây là quảng cáo với thời gian tối đa 6s cho một quảng cáo và nội dung được tối ưu để có thể truyền tải thông điệp tiếp cận được khách hàng mục tiêu.

Quảng cáo hiển thị

Quảng cáo hiển thị (tiếng Anh: Display ads) là quảng cáo kỹ thuật số dưới hình thức chữ, hình ảnh hay video để truyền tải nội dung của sản phẩm đến với khách hàng mục tiêu[21].

Các loại quảng cáo hiển thị:

  • Banner Ads: Đây là loại quảng cáo phổ biến nhất, thường gặp nhất trong các trang web. Banner Ads chủ yếu dùng hình ảnh để làm bật lên nội dung muốn truyền tải. Quảng cáo banner được IAB đặt ra tiêu chuẩn về các kích thước ở mức độ tương đối.
  • Quảng cáo đa phương tiện (tiếng Anh: Rich media): Quảng cáo này kết hợp giữa nhiều phương tiện như hình ảnh, âm thanh, video để có thể tiếp cận đến khách hàng và tạo ra sự tương tác với khách hàng. Quảng cáo đa phương tiện cho phép các nhà tiếp thị tạo ra những quảng cáo phức tạp để thu hút khách hàng.
  • Quảng cáo video: Quảng cáo hiển thị dưới dạng video để có thể truyền tải nội dung đến khách hàng.
  • Quảng cáo xen kẽ (tiếng Anh: Interstitial ads) là quảng cáo xuất hiện nguyên màn hình và che đi những nội dung đang được xem. Quảng cáo xen kẽ có thể được điều chỉnh xuất hiện tại những điểm chuyển nội dung hoặc nghỉ tự nhiên để không ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng.

Quảng cáo trên mạng xã hội

Quảng cáo trên mạng xã hội (tiếng Anh: Social ads) tận dụng tối đa thông tin người dùng trên các nền tảng mạng xã hội (Social Media)[22] để cung cấp nội dung tiếp thị một cách cá nhân hóa hơn. Quảng cáo trên mạng xã hội là cách thức truyền thông khá linh hoạt có thể cho phép thông điệp tiếp cận tối đa những khách hàng mục tiêu và phù hợp với hầu hết với các chiến dịch truyền thông của các nhãn hàng với chi phí tối ưu nhất[23].

Quảng cáo âm thanh

Quảng cáo âm thanh (tiếng Anh: Audio ads) là quảng cáo dưới dạng âm thanh được chèn vào các nội dung âm thanh như podcast, radio kỹ thuật số (tiếng Anh: Digital radio), dịch vụ phát trực tuyến (tiếng Anh: Streaming music).

Các nền tảng âm thanh lập trình (tiếng Anh: Programmatic audio)dựa trên trải nghiệm tại thời gian thực của các khách hàng mục tiêu để có thể đặt các quảng cáo phù hợp nhằm tối ưu trải nghiệm của người dùng[24].

Quảng cáo âm thanh cần có thời lượng khoảng 30s với các định dạng tệp được chấp nhận như là MP3, M4A và WAV[25].

Quảng cáo tự nhiên

Quảng cáo tự nhiên (tiếng Anh: Native ads) là loại quảng cáo phù hợp với hình thức (giao diện) và chức năng (trải nghiệm người dùng) của nền tảng mà nó xuất hiện[26].

Các quảng cáo tự nhiên hoạt động nhất quán với những trải nghiệm của người dùng và hoạt động như một nội dung tự nhiên. Quảng cáo tự nhiên xuất hiện như “Bài viết được quảng cáo”, “Bài viết được đề xuất cho bạn” và sau đó dẫn bạn đến website của bên thứ ba[27].

Các loại quảng cáo tự nhiên[28]:

In-feed unit:

  • In-feed native ads

In-feed native ads sẽ xuất hiện trong nội dung của website với hình thức tương tự các nội dung khác mặc dù có thể nội dung của quảng cáo không giống với những nội dung của website. Các nội dung in-feed native ads thường xuất hiện trên các trang chủ, trang bài viết và nguồn cung cấp nội dung[29].

  • In-feed Product Ads/Promoted Listings

Loại quảng cáo này thường xuất hiện trên các trang thương mại điện tử. Những người bán hàng có thể thông qua in-feed product ads để quảng cáo các sản phẩm của họ thông qua việc người dùng tìm kiếm các thông tin có liên quan. Các sản phẩm được quảng cáo sẽ xuất hiện y hệt như những sản phẩm không trả tiền khác.

  • In-feed Social Media Ads

Quảng cáo xuất hiện trên các trang mạng xã hội như những nội dung được chia sẻ bình thường (hình ảnh, video) và thường xuất hiện với những cụm từ “Được tài trợ” (Sponsored).

Quảng cáo tìm kiếm :

Quảng cáo tìm kiếm (tiếng Anh: Search ads) có thể được gọi là tiếp thị công cụ tìm kiếm (SEM).

Các quảng cáo tìm kiếm khi xuất hiện phải phụ thuộc vào công cụ tìm kiếm nào đó để có nội dung và hình thức như những kết quả tìm kiếm không trả phí. Các quảng cáo tìm kiếm sẽ được đưa lên đầu trong danh sách kết quả tìm kiếm của khách hàng.

Các đề xuất tiện ích :

Các đề xuất tiện ích (tiếng Anh: Recommendation Widget) là những quảng cáo thường xuất hiện bên dưới hoặc bên cạnh nội dung chính của website với những nội dung phù hợp với người tiêu dùng liên quan đến những nội dung họ đã xem. Những tiện ích này có thể không cùng nội dung hay hình thức giống như website hiện hữu[30].

Nội dung từ thương hiệu (Branded content/Sponsor Content):

Nội dung từ thương hiệu là loại nội dung được tạo ra hoặc xuất bản bởi bên thứ ba dưới sự tài trợ của nhãn hàng. Các dạng thường gặp của quảng cáo này là các người có ảnh hưởng (Key Opinion Leaders - KOLs) cho ý kiến cá nhân về sản phẩm và được nhận phí từ nhãn hàng của sản phẩm đó.

In-ad with native element units

In-ad thường xuất hiện với tiêu chuẩn IAB với nội dung có liên quan đến ngữ cảnh của website mà nó xuất hiện.

Quảng cáo tự nhiên trên điện thoại di động (Mobile native ads)

Quảng cáo trên những thiết bị di động cũng giống như các quảng cáo tự nhiên khác. Tuy nhiên là những nội dung được điều chỉnh phù hợp hơn khi hiển thị trên thiết bị di động - thân thiện với thiết bị di động.

Có 2 loại quảng cáo trên thiết bị di động:

  • Quảng cáo trong bản đồ (In-map ads): Dựa vào vị trí của khách hàng trên bản đồ mà quảng cáo của các thương hiệu/doanh nghiệp được hiện xung quanh họ. Những quảng cáo này có thông tin chính xác để khách hàng có thể đến hoặc liên lạc như là địa chỉ, số điện thoại, giờ làm việc..
  • Quảng cáo trong game (In-game ads): Quảng cáo sẽ xuất hiện trong những trò chơi dưới dạng có thưởng cho người xem quảng cáo (Như lượt chơi mới hay các điểm thưởng trong game). Vì thế quảng cáo trong game thường đem lại sự tiếp cận lớn với người dùng.

Quảng cáo kỹ thuật số ngoài trời (tiếng Anh: Digital Out-of-home ads)

Quảng cáo kỹ thuật số ngoài trời là quảng cáo hiển thị dưới dạng động và kỹ thuật số được xuất hiện tại những nơi công cộng[31].

Những quảng cáo kỹ thuật số ngoài trời này gần như tương tự với các quảng cáo ngoài trời bình thường nhưng các nội dung của quảng cáo kỹ thuật số ngoài trời có thể thay đổi và linh hoạt hơn, vì thế việc tương tác của quảng cáo kỹ thuật số ngoài trời cao hơn hẳn so với quảng cáo ngoài trời truyền thống.